Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
139631

KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CHIẾN KHU NGỌC TRẠO (19/9/1941-19/9/2019)

Ngày 19/09/2019 00:00:00

Sáng ngày 19/9/2019 tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc huyện Thạch Thành long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập chiến khu Ngọc Trạo (19/9/1941-19/9/2019).

Sáng ngày 19/9/2019 tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc huyện Thạch Thành long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập chiến khu Ngọc Trạo (19/9/1941-19/9/2019).

Về dự buổi lễ có đồng chí Bùi thị Mười tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thành, cùng các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy, thường trực HĐND, UBND, MTTQ, lãnh đạo các phòng ban ngành đoàn thể huyện Thạch Thành, lãnh đạo các xã thị trấn trong huyện và đông đảo bà con nhân dân xã Ngọc Trạo đã về dự.
5c259e2ddbaf3cf165be.jpg

Hình ảnh làm lễ kỷ niệm tại tượng đài chiến khu Ngọc Trạo

Thạch Thành có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhân dân 2 dân tộc Kinh, Mường Thạch Thành có chung một cội nguồn và một nền văn hoá lịch sử lâu đời với truyền thống cần cù trong lao động, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh. Truyền thống đó được hun đúc trong suốt quá trình lịch sử lâu dài đấu tranh chống thiên tai dịch họa, chống áp bức bóc lột. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thạch Thành càng trở nên mạnh mẽ và quyết liệt. Lịch sử còn ghi nhận các phong trào cách mạng của huyện trong những năm 1930-1945 cùng với cả nước chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, mà tiêu biểu là Chiến khu du kích Ngọc Trạo, đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa vũ trang ở vùng Bắc Trung Bộ.

Ngược lại dòng lịch sử, từ phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931, cao trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ (1936 – 1939). Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Trước tình hình khẩn trương của phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, tháng 5/1941, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phát xít Pháp - Nhật, quyết giành cho được độc lập, tự do và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Thanh Hoá tiếp tục chủ trương chống địch khủng bố, bảo vệ cơ sở và phát triển thực lực của phong trào cách mạng. Mặt khác, khẩn trương xây dựng một số căn cứ địa cách mạng ở những huyện có địa thế thuận lợi nhằm phát triển lực lượng vũ trang, tập trung lực lượng vào việc thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Bên cạnh việc xây dựng căn cứ địa ở phía Tây Nam của tỉnh, Tỉnh uỷ nhấn mạnh sự cần thiết phải lập căn cứ địa ở vùng đông bắc gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung nhằm thông liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ và giao cho các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỷ lựa chọn địa điểm thuận lợi làm căn cứ huấn luyện cán bộ cốt cán, đào tạo về quân sự, chính trị, phát triển nhanh lực lượng cách mạng tiến tới xây dựng đội quân vũ trang.

Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, căn cứ vào địa thế tương đối thuận lợi về mọi mặt, ban cán sự Bắc Thanh Hoá do đồng chí Đặng Châu Tuệ chỉ huy đã quyết định chọn làng Ngọc Trạo, thuộc tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành làm địa điểm xây dựng chiến khu cách mạng. Tại đây, sau khi có phong trào phản đế, đầu năm 1941 đã có một tổ tự vệ về sau được phát triển thành đội du kích thôn. Nhân dân Ngọc Trạo, hầu hết là người Mường, trong lịch sử có truyền thống "Ái quốc, trung quân", buổi đầu chống thực dân Pháp nhân dân đã từng góp gạo nuôi binh sĩ của lãnh tụ Tống Duy Tân và cử những người con trai tráng của làng ra nhập nghĩa quân Cần Vương chống ngoại xâm. Ngọc Trạo còn là nơi có địa thế tương đối thuận lợi. Vượt qua vòng kiềm toả gắt gao của địch, với quyết tâm và ý chí cách mạng cao độ, cán bộ và nhân dân Ngọc Trạo đã kiên trì, dũng cảm biến một vùng rừng núi yên tĩnh thành một vùng căn cứ địa cách mạng sôi động, nơi chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho bước chuyển biến quan trọng của phong trào toàn tỉnh nói chung và Thạch Thành nói riêng.

Cuối tháng 6/1941, các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỷ đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp và bước đi thích hợp nhằm triển khai xây dựng chiến khu Ngọc Trạo trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải mở rộng các cơ sở cách mạng, nắm vững tình hình hoạt động của địch, tranh thủ lôi kéo và cô lập hàng ngũ quan lại địa phương, đồng thời vận động quần chúng phát triển lực lượng tự vệ du kích trong các thôn, xóm. Cuộc họp này đã mở ra bước phát triển quan trọng trong chủ trương và hành động đẩy tới triển khai nhanh chóng quyết định xây dựng căn cứ Ngọc Trạo. Cán bộ và nhân dân huyện Thạch Thành đã quán triệt chủ trương của cuộc họp, hăng hái thực hiện những công việc cách mạng thiết thực để xây dựng chiến khu. Để tăng cường lực lượng, Tỉnh uỷ quyết định phát triển lực lượng vũ trang của chiến khu lên 500 chiến sĩ.

Ban chỉ đạo chiến khu do các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ phụ trách. Ngày 19/9/1941, tại hang Treo, một địa điểm của căn cứ Ngọc Trạo, Ban lãnh đạo chiến khu đã quyết định thành lập đội du kích vũ trang thoát ly đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo gồm 21 chiến sĩ ưu tú do đồng chí Đăng Châu Tuệ - Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá làm chỉ huy trưởng. Dưới cờ đỏ sao vàng, toàn đội đã tuyên thệ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một trong những đội du kích thoát ly tập trung đầu tiên của cả nước được thành lập sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo chiến khu, đội du kích được biên chế thành 3 tiểu đội; tiểu đội cảm tử, tiểu đội súng, tiểu đội trinh sát và các bộ phận y tế, cứu thương và liên lạc. Vũ khí gồm 11 khẩu súng, còn lại là vũ khí thô sơ như dao bầu, mã tấu, cung nỏ và gậy gộc. Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng các chiến sĩ luôn lạc quan, tin tưởng dốc lòng, dốc sức xây dựng chiến khu, giữ gìn kỷ luật và thực hiện bám đất, bám dân, sẵn sàng chiến đấu.

Để tăng cường lực lượng, Tỉnh uỷ đã quyết định chọn thôn Đa Ngọc (Yên Giang, Yên Định) làm địa điểm tập kết gần 100 chiến sĩ tự vệ các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định về Đa Ngọc tập luyện để tăng cường cho Ngọc Trạo. Do xúc tiến các mặt hoạt động ở chiến khu một cách tích cực, sâu rộng nên chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ có trên hai chục đội viên khi mới thành lập đến cuối tháng 9/1941 số đội viên du kích và cán bộ lên trên 80 chiến sĩ.

Thời gian đầu, đội du kích đóng tại Hang Treo, cách Ngọc Trạo hơn chục ki lô mét. Về sau lực lượng phát triển đông, Ban lãnh đạo quyết định chuyển về khu đồi Ma Mầu cách Ngọc Trạo khoảng 3 cây số nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, do tình hình mưa lũ kéo dài, lương thực không tiếp tế kịp thời... nhân dân Ngọc Trạo đã kiến nghị nên dời địa điểm Ma Mầu về làng Ngọc Trạo để tiếp tục hoạt động. Hơn 80 chiến sĩ và hàng chục người phục vụ tập trung gọn trên địa bàn 3 km2, trong điều kiện tiếp tế khó khăn và an toàn bí mật không đảm bảo. Lúc này địch đã đánh hơi thấy hoạt động vũ trang của chiến khu và ráo riết tìm cách trấn áp, chúng ra lệnh thiết quân luật ở đông bắc Thanh Hoá, chặn các đường rút lui của quân ta.

Ngày 18/10/1941, bọn địch đã huy động tới 500 quân (chủ yếu là lính khố xanh, khố đỏ), dưới sự chỉ huy của những tên thực dân cáo già khét tiếng cùng với lực lượng tuần đinh của các vùng lân cận tham gia cuộc hành quân càn quét.

Rạng sáng ngày 19/10/1941, lợi dụng lúc sương mù còn dày đặc, một cánh quân của địch đã nhằm vào một số trạm gác của ta đánh bất ngờ nhằm tiến sâu vào căn cứ. Cuộc chiến đã diễn ra quyết liệt: Quân ta lực lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ song với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, các chiến sĩ đã dùng mã tấu, dao kiếm, súng kíp đánh giáp lá cà, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân địch. Trận chiến đấu kết thúc, địch rút khỏi Ngọc Trạo nhưng phía ta cũng bị tổn thất lớn: 3 đồng chí Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước và Phạm Văn Hinh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng, hơn ba chục chiến sĩ và đồng bào bị bắt.

Trước tình hình đó ngay đêm ngày 19/10/1941, thực hiện mệnh lệnh của Ban lãnh đạo chiến khu, đồng chí Đặng Châu Tuệ cùng một số đội viên du kích bí mật rút về làng Cẩm Bào, Xuân Áng để thực hiện phương án mới. Tại đây, sau gần 1 tuần trú chân, các chiến sĩ đã được nhân dân làng Cẩm Bào hết lòng che chở, đùm bọc và phân tán về các địa phương an toàn để tiếp tục hoạt động và tránh sự khủng bố của địch.

Chưa tiêu diệt được đội du kích Ngọc Trạo, thực dân Pháp ra lệnh cho tay sai tập trung hơn 100 lính cùng tuần đinh tiến hành những cuộc khủng bố trả thù dã man nhân dân các làng Ngọc Trạo, Cẩm Bào, Đa Ngọc. Chiến dịch khủng bố này, địch đã kết tội gần 400 người và kết án nhiều đồng chí án tù chung thân, hàng chục đồng chí, đồng bào mang án tù 20 năm, hàng trăm gia đình bị phá nhà cửa và tài sản. Hành động dã man của quân thù càng khắc sâu mối thù không đội trời chung với bọn đế quốc, thôi thúc các tầng lớp nhân dân quyết tâm theo Đảng đứng lên đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập cho quê hương, đất nước.

Hoạt động của chiến khu du kích Ngọc Trạo tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã để lại một ấn tượng không phai mờ về hình ảnh một đội quân cách mạng Trí - Dũng - Nhân ngoan cường với những người con ưu tú từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng quả cảm vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Chiến khu còn là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển tình cảm gắn bó keo sơn giữa Đảng với nhân dân, trở thành động lực, sức bật mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh trường kỳ anh dũng chống áp bức và chống xâm lược.

Chiến khu Ngọc Trạo với đội du kích thoát ly đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá ra đời là kết quả tất yếu của quá trình vận động cách mạng nhằm quán triệt chủ trương của Đảng tiến tới chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đây cũng là một trong những đội du kích thoát ly sớm nhất sau khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trương ương lần thứ 8 (5/1941). Những chiến tích hào hùng và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã tô thắm truyền thống cách mạng, là niềm tự hào, là sức mạnh, nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và của huyện Thạch Thành nói riêng.

Với trang sử vẻ vang 78 năm qua, phát huy truyền thống của chiến khu Ngọc Trạo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện Thạch Thành nói chung và của xã Ngọc Trạo nói riêng đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo xây dựng quê hương đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
2b76a4a9e32b04755d3a.jpg

Lãnh đạo xã Ngọc Trạo nhận hoa của các đơn vị kết nghĩa

Nỗ lực cùng cả huyện, cả tỉnh tô thắm thêm khí phách hào hùng của cha ông, Ngọc Trạo hôm nay đã có những đổi thay rõ nét. Dấu ấn nổi bật chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người là 34 triệu đồng/người/năm. Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo được UBND huyện Thạch Thành tổ chức, cùng với hoạt động dâng hương tại Tượng đài Du kích Ngọc Trạo và khu mộ liệt sĩ du kích chiến khu còn có nhiều hoạt động khác nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân.
89b2ec7eabfc4ca215ed.jpg

Lãnh đạo phường Ngọc Trạo thị xã Bỉm Sơn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Ngọc Trạo

Những đổi thay trên quê hương Ngọc Trạo hôm nay chính là sự kế thừa những giá trị và bài học to lớn từ Chiến khu Ngọc Trạo. 78 năm qua, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh và thử thách, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo luôn kề vai sát cánh tiến bước với đồng bào, đồng chí trong huyện, tỉnh và cả nước trên mọi chặng đường cách mạng. Để hôm nay, cũng ý chí và nhiệt huyết ấy, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo đang ra sức xây dựng Ngọc Trạo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến khu Ngọc Trạo Anh hùng.

KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CHIẾN KHU NGỌC TRẠO (19/9/1941-19/9/2019)

Đăng lúc: 19/09/2019 00:00:00 (GMT+7)

Sáng ngày 19/9/2019 tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc huyện Thạch Thành long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập chiến khu Ngọc Trạo (19/9/1941-19/9/2019).

Sáng ngày 19/9/2019 tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc huyện Thạch Thành long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập chiến khu Ngọc Trạo (19/9/1941-19/9/2019).

Về dự buổi lễ có đồng chí Bùi thị Mười tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thành, cùng các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy, thường trực HĐND, UBND, MTTQ, lãnh đạo các phòng ban ngành đoàn thể huyện Thạch Thành, lãnh đạo các xã thị trấn trong huyện và đông đảo bà con nhân dân xã Ngọc Trạo đã về dự.
5c259e2ddbaf3cf165be.jpg

Hình ảnh làm lễ kỷ niệm tại tượng đài chiến khu Ngọc Trạo

Thạch Thành có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhân dân 2 dân tộc Kinh, Mường Thạch Thành có chung một cội nguồn và một nền văn hoá lịch sử lâu đời với truyền thống cần cù trong lao động, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh. Truyền thống đó được hun đúc trong suốt quá trình lịch sử lâu dài đấu tranh chống thiên tai dịch họa, chống áp bức bóc lột. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thạch Thành càng trở nên mạnh mẽ và quyết liệt. Lịch sử còn ghi nhận các phong trào cách mạng của huyện trong những năm 1930-1945 cùng với cả nước chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, mà tiêu biểu là Chiến khu du kích Ngọc Trạo, đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa vũ trang ở vùng Bắc Trung Bộ.

Ngược lại dòng lịch sử, từ phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931, cao trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ (1936 – 1939). Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Trước tình hình khẩn trương của phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, tháng 5/1941, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phát xít Pháp - Nhật, quyết giành cho được độc lập, tự do và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Thanh Hoá tiếp tục chủ trương chống địch khủng bố, bảo vệ cơ sở và phát triển thực lực của phong trào cách mạng. Mặt khác, khẩn trương xây dựng một số căn cứ địa cách mạng ở những huyện có địa thế thuận lợi nhằm phát triển lực lượng vũ trang, tập trung lực lượng vào việc thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Bên cạnh việc xây dựng căn cứ địa ở phía Tây Nam của tỉnh, Tỉnh uỷ nhấn mạnh sự cần thiết phải lập căn cứ địa ở vùng đông bắc gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung nhằm thông liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ và giao cho các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỷ lựa chọn địa điểm thuận lợi làm căn cứ huấn luyện cán bộ cốt cán, đào tạo về quân sự, chính trị, phát triển nhanh lực lượng cách mạng tiến tới xây dựng đội quân vũ trang.

Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, căn cứ vào địa thế tương đối thuận lợi về mọi mặt, ban cán sự Bắc Thanh Hoá do đồng chí Đặng Châu Tuệ chỉ huy đã quyết định chọn làng Ngọc Trạo, thuộc tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành làm địa điểm xây dựng chiến khu cách mạng. Tại đây, sau khi có phong trào phản đế, đầu năm 1941 đã có một tổ tự vệ về sau được phát triển thành đội du kích thôn. Nhân dân Ngọc Trạo, hầu hết là người Mường, trong lịch sử có truyền thống "Ái quốc, trung quân", buổi đầu chống thực dân Pháp nhân dân đã từng góp gạo nuôi binh sĩ của lãnh tụ Tống Duy Tân và cử những người con trai tráng của làng ra nhập nghĩa quân Cần Vương chống ngoại xâm. Ngọc Trạo còn là nơi có địa thế tương đối thuận lợi. Vượt qua vòng kiềm toả gắt gao của địch, với quyết tâm và ý chí cách mạng cao độ, cán bộ và nhân dân Ngọc Trạo đã kiên trì, dũng cảm biến một vùng rừng núi yên tĩnh thành một vùng căn cứ địa cách mạng sôi động, nơi chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho bước chuyển biến quan trọng của phong trào toàn tỉnh nói chung và Thạch Thành nói riêng.

Cuối tháng 6/1941, các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỷ đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp và bước đi thích hợp nhằm triển khai xây dựng chiến khu Ngọc Trạo trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải mở rộng các cơ sở cách mạng, nắm vững tình hình hoạt động của địch, tranh thủ lôi kéo và cô lập hàng ngũ quan lại địa phương, đồng thời vận động quần chúng phát triển lực lượng tự vệ du kích trong các thôn, xóm. Cuộc họp này đã mở ra bước phát triển quan trọng trong chủ trương và hành động đẩy tới triển khai nhanh chóng quyết định xây dựng căn cứ Ngọc Trạo. Cán bộ và nhân dân huyện Thạch Thành đã quán triệt chủ trương của cuộc họp, hăng hái thực hiện những công việc cách mạng thiết thực để xây dựng chiến khu. Để tăng cường lực lượng, Tỉnh uỷ quyết định phát triển lực lượng vũ trang của chiến khu lên 500 chiến sĩ.

Ban chỉ đạo chiến khu do các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ phụ trách. Ngày 19/9/1941, tại hang Treo, một địa điểm của căn cứ Ngọc Trạo, Ban lãnh đạo chiến khu đã quyết định thành lập đội du kích vũ trang thoát ly đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo gồm 21 chiến sĩ ưu tú do đồng chí Đăng Châu Tuệ - Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá làm chỉ huy trưởng. Dưới cờ đỏ sao vàng, toàn đội đã tuyên thệ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một trong những đội du kích thoát ly tập trung đầu tiên của cả nước được thành lập sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo chiến khu, đội du kích được biên chế thành 3 tiểu đội; tiểu đội cảm tử, tiểu đội súng, tiểu đội trinh sát và các bộ phận y tế, cứu thương và liên lạc. Vũ khí gồm 11 khẩu súng, còn lại là vũ khí thô sơ như dao bầu, mã tấu, cung nỏ và gậy gộc. Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng các chiến sĩ luôn lạc quan, tin tưởng dốc lòng, dốc sức xây dựng chiến khu, giữ gìn kỷ luật và thực hiện bám đất, bám dân, sẵn sàng chiến đấu.

Để tăng cường lực lượng, Tỉnh uỷ đã quyết định chọn thôn Đa Ngọc (Yên Giang, Yên Định) làm địa điểm tập kết gần 100 chiến sĩ tự vệ các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định về Đa Ngọc tập luyện để tăng cường cho Ngọc Trạo. Do xúc tiến các mặt hoạt động ở chiến khu một cách tích cực, sâu rộng nên chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ có trên hai chục đội viên khi mới thành lập đến cuối tháng 9/1941 số đội viên du kích và cán bộ lên trên 80 chiến sĩ.

Thời gian đầu, đội du kích đóng tại Hang Treo, cách Ngọc Trạo hơn chục ki lô mét. Về sau lực lượng phát triển đông, Ban lãnh đạo quyết định chuyển về khu đồi Ma Mầu cách Ngọc Trạo khoảng 3 cây số nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, do tình hình mưa lũ kéo dài, lương thực không tiếp tế kịp thời... nhân dân Ngọc Trạo đã kiến nghị nên dời địa điểm Ma Mầu về làng Ngọc Trạo để tiếp tục hoạt động. Hơn 80 chiến sĩ và hàng chục người phục vụ tập trung gọn trên địa bàn 3 km2, trong điều kiện tiếp tế khó khăn và an toàn bí mật không đảm bảo. Lúc này địch đã đánh hơi thấy hoạt động vũ trang của chiến khu và ráo riết tìm cách trấn áp, chúng ra lệnh thiết quân luật ở đông bắc Thanh Hoá, chặn các đường rút lui của quân ta.

Ngày 18/10/1941, bọn địch đã huy động tới 500 quân (chủ yếu là lính khố xanh, khố đỏ), dưới sự chỉ huy của những tên thực dân cáo già khét tiếng cùng với lực lượng tuần đinh của các vùng lân cận tham gia cuộc hành quân càn quét.

Rạng sáng ngày 19/10/1941, lợi dụng lúc sương mù còn dày đặc, một cánh quân của địch đã nhằm vào một số trạm gác của ta đánh bất ngờ nhằm tiến sâu vào căn cứ. Cuộc chiến đã diễn ra quyết liệt: Quân ta lực lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ song với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, các chiến sĩ đã dùng mã tấu, dao kiếm, súng kíp đánh giáp lá cà, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân địch. Trận chiến đấu kết thúc, địch rút khỏi Ngọc Trạo nhưng phía ta cũng bị tổn thất lớn: 3 đồng chí Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước và Phạm Văn Hinh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng, hơn ba chục chiến sĩ và đồng bào bị bắt.

Trước tình hình đó ngay đêm ngày 19/10/1941, thực hiện mệnh lệnh của Ban lãnh đạo chiến khu, đồng chí Đặng Châu Tuệ cùng một số đội viên du kích bí mật rút về làng Cẩm Bào, Xuân Áng để thực hiện phương án mới. Tại đây, sau gần 1 tuần trú chân, các chiến sĩ đã được nhân dân làng Cẩm Bào hết lòng che chở, đùm bọc và phân tán về các địa phương an toàn để tiếp tục hoạt động và tránh sự khủng bố của địch.

Chưa tiêu diệt được đội du kích Ngọc Trạo, thực dân Pháp ra lệnh cho tay sai tập trung hơn 100 lính cùng tuần đinh tiến hành những cuộc khủng bố trả thù dã man nhân dân các làng Ngọc Trạo, Cẩm Bào, Đa Ngọc. Chiến dịch khủng bố này, địch đã kết tội gần 400 người và kết án nhiều đồng chí án tù chung thân, hàng chục đồng chí, đồng bào mang án tù 20 năm, hàng trăm gia đình bị phá nhà cửa và tài sản. Hành động dã man của quân thù càng khắc sâu mối thù không đội trời chung với bọn đế quốc, thôi thúc các tầng lớp nhân dân quyết tâm theo Đảng đứng lên đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập cho quê hương, đất nước.

Hoạt động của chiến khu du kích Ngọc Trạo tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã để lại một ấn tượng không phai mờ về hình ảnh một đội quân cách mạng Trí - Dũng - Nhân ngoan cường với những người con ưu tú từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng quả cảm vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Chiến khu còn là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển tình cảm gắn bó keo sơn giữa Đảng với nhân dân, trở thành động lực, sức bật mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh trường kỳ anh dũng chống áp bức và chống xâm lược.

Chiến khu Ngọc Trạo với đội du kích thoát ly đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá ra đời là kết quả tất yếu của quá trình vận động cách mạng nhằm quán triệt chủ trương của Đảng tiến tới chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đây cũng là một trong những đội du kích thoát ly sớm nhất sau khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trương ương lần thứ 8 (5/1941). Những chiến tích hào hùng và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã tô thắm truyền thống cách mạng, là niềm tự hào, là sức mạnh, nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và của huyện Thạch Thành nói riêng.

Với trang sử vẻ vang 78 năm qua, phát huy truyền thống của chiến khu Ngọc Trạo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện Thạch Thành nói chung và của xã Ngọc Trạo nói riêng đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo xây dựng quê hương đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
2b76a4a9e32b04755d3a.jpg

Lãnh đạo xã Ngọc Trạo nhận hoa của các đơn vị kết nghĩa

Nỗ lực cùng cả huyện, cả tỉnh tô thắm thêm khí phách hào hùng của cha ông, Ngọc Trạo hôm nay đã có những đổi thay rõ nét. Dấu ấn nổi bật chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người là 34 triệu đồng/người/năm. Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo được UBND huyện Thạch Thành tổ chức, cùng với hoạt động dâng hương tại Tượng đài Du kích Ngọc Trạo và khu mộ liệt sĩ du kích chiến khu còn có nhiều hoạt động khác nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân.
89b2ec7eabfc4ca215ed.jpg

Lãnh đạo phường Ngọc Trạo thị xã Bỉm Sơn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Ngọc Trạo

Những đổi thay trên quê hương Ngọc Trạo hôm nay chính là sự kế thừa những giá trị và bài học to lớn từ Chiến khu Ngọc Trạo. 78 năm qua, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh và thử thách, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo luôn kề vai sát cánh tiến bước với đồng bào, đồng chí trong huyện, tỉnh và cả nước trên mọi chặng đường cách mạng. Để hôm nay, cũng ý chí và nhiệt huyết ấy, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo đang ra sức xây dựng Ngọc Trạo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến khu Ngọc Trạo Anh hùng.

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC